Bạn đang có trong tay một chiếc đồng hồ cơ? Xin chúc mừng! Điều này đồng nghĩa với việc bạn đã trở thành một chủ sở hữu đáng tự hào, bởi tuyệt tác mà bạn đang nắm giữ chính là biểu tượng của đỉnh cao nghệ thuật và khoa học thời đại. Dù bạn có ý định sẽ đeo trong những dịp đặc biệt hay mong muốn cùng chiếc đồng hồ cơ của mình đồng hành trong suốt đoạn đường đời, chỉ cần lâu lâu “trả lương” cho nó một lần, tin chắc nó sẽ luôn phục vụ bạn thật tốt và ít khi gặp trục trặc trong nhiều năm liền.
Thế… phải trả lương cho chiếc đồng hồ cơ như thế nào đây? Đây cũng là đề tài mà Luxshopping muốn hướng đến ngày hôm nay. Trước khi gặt hái những lợi ích từ chiếc đồng hồ cơ của mình, bạn cũng nên dành thời gian tìm hiểu qua về cách chăm sóc chúng trước đã. Tin rằng sự trân trọng chính là khoản lương xứng đáng nhất mà chiếc đồng hồ của bạn muốn nhận.
ĐỒNG HỒ CƠ HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Trước tiên, để làm quen với cách thức bảo dưỡng đồng hồ cơ, chúng ta cần hiểu sơ lược về cách hoạt động của chúng trước đã.
Bộ máy bên trong một chiếc đồng hồ cơ
Cấu tạo của những chiếc đồng hồ cơ trong ba thế kỷ vừa qua là như nhau. Sự bền bỉ này góp phần chứng minh chúng là những cỗ máy thực sự khéo léo và mang lại hiệu quả lâu dài. Không giống đồng hồ thạch anh, đồng hồ cơ không thể tiếp nhận nguồn năng lượng từ pin. Thay vào đó, sức mạnh có thể khống chế và điều khiển chuyển động của những cây kim đồng hồ hay bất kỳ biến chứng nào khác (chức năng ngày tháng, moonphase, bấm giờ,...) đến từ việc kéo giãn một chiếc lò xo đương cuộn chặt. Chúng ta còn biết đến lò xo này dưới cái tên: dây cót (dây thiều) chính của đồng hồ. Và đương nhiên, việc kéo giãn này diễn ra hết sức chậm rãi.
Dây cót chính và bánh răng trong bộ chuyển động
Nếu không được kiểm soát, dây cót chính của đồng hồ sẽ nhanh chóng bung ra và năng lượng sẽ tiêu biến tức thì. Do đó, một trục chứa dây cót chính này được nối khớp vào một bánh răng với kích thước phi thường vừa vặn và được biết đến với cái tên “bộ chỉnh động”. Bộ chỉnh động cấu thành từ một bánh xe bị giữ chặt rồi nhả ra một cách không liên tục. Hoạt động này được thực thi bởi một đòn bẩy xoay quay trục. Trục của đòn bẩy được điều khiển bởi một vòng xoắn tinh tế mà chúng ta gọi nó là “sợi tóc”. Tóm lại, cái gọi là “bộ chỉnh động đòn bẩy” này có thể điều khiển sự giải phóng năng lượng từ dây thiều chính, bên cạnh đó nó sẽ lấy lại năng lượng từ bộ truyền động, từ đó cung cấp sức mạnh cho bộ kim đồng hồ hoạt động.
Bộ chỉnh động cơ học
Dây tóc là trái tim của đồng hồ cơ. Nếu bạn có thể tận mắt chứng kiến bộ máy chuyển động bên trong đồng hồ cơ “sống” như thế nào, có lẽ bạn sẽ thật sự phấn khích và tự hỏi tại sao lại làm được như thế. Những người thợ làm sợi tóc đồng hồ đã thành công giữ cho nhịp đập qua lại của chúng ổn định ở bất cứ đâu trong khoảng 18.000 đến 36.000 lần mỗi giờ. Độ chính xác của đồng hồ phần lớn phụ thuộc vào độ căng của sợi tóc này, cũng như khả năng chống nhiệt độ và chống từ tính của nó. Hầu hết các sợi tóc hiện nay được tạo thành từ một hợp kim kim loại có thể làm giảm tác động của sự thay đổi nhiệt độ, và một số khác được làm từ Silicon - miễn dịch với từ tính.
Sợi tóc
Với vô vàn những cấu tạo và cách vận hành phức tạp như thế, thật đáng ngạc nhiên khi những chiếc đồng hồ cơ có thể giữ được độ chính xác ổn định. Mặc dù một buồng máy chuyển động có khả năng duy trì thời gian chính xác lên đến 99,999%, nhưng như bạn có thể thấy đấy, ma sát và các cú sốc bên ngoài lại là kẻ thù của những bộ máy chuyển động cơ học.
Ma sát có thể giảm bớt bằng cách bôi trơn thường xuyên và giữ cho vòng bi lẫn “những viên bảo ngọc” (jewel) luôn nhẵn nhụi. Những viên bảo ngọc sao? Đúng vậy, những chiếc đĩa sáng bóng màu đỏ mà bạn thường hay thấy trong các đoạn cầu nối của đồng hồ chính là những viên hồng ngọc. Trước đây là đá thật, hiện tại thường làm bằng đá tổng hợp. Các trục của các bánh răng đi qua trung tâm của những viên hồng ngọc này, nên chúng sẽ thường được đánh bóng để cung cấp các bề mặt gần như không ma sát.
Hồng ngọc (ruby) trong bộ máy chuyển động cơ học
CÁCH LÊN DÂY CÓT CHO ĐỒNG HỒ CƠ
Một trong những điều thú vị ở đồng hồ cơ chính là đòi hỏi sự tương tác với chủ nhân của mình. Cuộn dây cót của đồng hồ sẽ chỉ cung cấp năng lượng trong vòng một đến hai ngày (hoặc có những trường hợp sẽ lâu hơn) nếu bạn không ngó ngàng gì đến nó. Đồng hồ lên dây thủ công là một hình thức truyền thống nhất của đồng hồ cơ. Việc tự tay lên dây cót cho cỗ máy thời gian của mình âu cũng là một thú vui tao nhã của những người yêu thích đồng hồ đấy chứ? Kỳ thực việc này cũng không quá phức tạp, đơn thuần là bạn chỉ cần xoay núm điều chỉnh hơn chục lần. Tuy nhiên, vẫn có một số điều cần lưu ý đấy.
Núm điều chỉnh (hay vương miện) của đồng hồ
Trước hết, tháo đồng hồ ra khỏi cổ tay của bạn. Mặc dù việc mân mê lên dây cót mỗi khi rảnh tay cũng khá thú vị đấy, thậm chí có nhiều người còn hình thành thói quen khó bỏ, nhưng thực ra góc độ không đúng có thể gây áp lực và tạo căng thẳng cho trục uốn lượn.
Kế tiếp, không được lên dây cót quá chặt. Bạn có để cảm thấy “đủ” khi không còn xoay núm điều chỉnh được nữa và bạn chỉ nên dừng lại ở đó. Ngay khi cảm nhận được giới hạn thì đừng nên ép chiếc đồng hồ của mình cố gắng thêm. Việc này tương tự như bạn đang cố đổ xăng trào khỏi bình vậy, chẳng đem lại lợi ích gì đúng không? Cố gắng lên dây cót cho đồng hồ một lần mỗi ngày. Một chiếc đồng hồ cơ sẽ giữ được thời gian chính xác nhất khi dây thiều còn trên nửa độ căng. Đồng hồ thông thường có khả năng dự trữ năng lượng trong 2 ngày, vì vậy tốt nhất hãy lên dây cót cho đồng hồ vào mỗi buổi sáng trước khi bạn đeo nó. Đây là một thói quen tốt đấy.
“Nên hình thành thói quen lên dây cót đồng hồ vào buổi sáng.”
Đồng hồ tự động (hoặc đồng hồ tự lên dây cót hay đồng hồ automatic) có chức năng như tên gọi của chúng. Chừng nào bạn còn đeo trên tay, dây cót chính của đồng hồ sẽ duy trì độ căng của nó nhờ vào một rotor có trọng lượng vận hành dựa vào chuyển động của cổ tay. Một ly hợp trượt sẽ đóng vai trò ngăn cản dây thiều bị căng quá chặt. Trừ khi không đeo đồng hồ cả ngày hoặc bạn là một người cực kỳ ít hoạt động, nếu không thì bạn sẽ chẳng cần phải lên dây cót cho chiếc đồng hồ automatic của mình. Nhưng nếu trường hợp “trừ khi” đó xảy ra thì sao? Vậy thì bạn chỉ cần xoay núm điều chỉnh từ 20 - 30 vòng (tùy mẫu đồng hồ) cho đến khi kim giây bắt đầu di chuyển, sau đó đặt lại thời gian và cứ thế mà đeo thôi.
Một mẫu đồng hồ cơ automatic đến từ Jaeger-LeCoultre
- với bộ máy chuyển động cấu thành từ 305 phần và khả năng dự trữ lên đến 40 giờ
Không giống những chiếc đồng hồ lên dây cót thủ công, sẽ không thể xảy ra trường hợp lên dây cót “quá trớn” ở những chiếc đồng hồ automatic, nhưng bạn cũng đừng nên quá ỷ lại, bởi cơ chế lên dây cót ở đồng hồ tự động luôn kém mạnh mẽ hơn so với đồng hồ lên dây thủ công, do đó sẽ dễ bị hỏng khi bất cẩn hoặc sử dụng quá mức. Tóm lại, tốt nhất hãy để cho chiếc đồng hồ cơ automatic của bạn tự lên dây cót bằng cách đeo chúng thường xuyên hơn hoặc bạn có thể mang ra trung tâm bảo dưỡng và chăm sóc đồng hồ. Ở đó thường sẽ có những bộ máy chuyển động dành riêng cho việc nạp năng lượng vào những chiếc đồng hồ cơ automatic.
NHỮNG VIỆC NÊN VÀ KHÔNG NÊN TRONG LÚC CÀI ĐẶT ĐỒNG HỒ
Cài đặt (hay điều chỉnh) đồng hồ là một việc làm khá đơn giản, nhưng vẫn có một vài điều “nên” và “không nên” mà bạn cần lưu ý.
Những điều nên và không nên khi điều chỉnh tính năng ngày (tính năng day/date)
của đồng hồ cơ
Quy tắc quan trọng nhất là không được thiết đặt lịch ngày khi thời gian của đồng hồ đang trong khoảng từ 9 giờ tối (21:00) - 2 giờ sáng (02:00). Một số trường hợp sẽ rơi vào khoảng 11 giờ tối (23:00) - 1 giờ sáng (01:00). Lưu ý rằng chúng tôi đang nói thời gian hiển thị trên đồng hồ chứ không phải thời gian thực tế trong ngày.
Lý do vì sao phải tuân thủ điều này? Cơ thế thay đổi ngày bắt đầu tham gia vào bộ truyền động bánh răng sau 9 giờ tối và chỉ thảnh thơi sau 2 giờ sáng. Khi kim chỉ giờ nằm trong khu vực này, các bánh răng nhỏ di chuyển đĩa day/date sẽ tiếp xúc với bánh răng giờ và bắt đầu quay. Khi đó lịch day/date sẽ nhảy sang một ngày mới. Vì thế, không nên điều chỉnh lịch ngày bằng cách thủ công khi các bánh răng đang ăn khớp vào nhau như thế. Điều này có thể gây phá vỡ những chiếc răng mỏng manh của cơ chế, dẫn đến việc sửa chữa tốn kém. Tất nhiên, nếu đồng hồ của bạn không có tính năng hiển thị ngày thì chẳng có vấn đề gì xảy ra cả.
Một số chuyên gia khuyên rằng bạn nên điều chỉnh tính năng ngày của đồng hồ cơ vào khoảng 4 giờ - 8 giờ (đương nhiên chúng tôi đang nói đến giờ hiển thị trên đồng hồ chứ không phải giờ thực tế).
NHỮNG ĐIỀU CẦN TRÁNH KHI SỬ DỤNG ĐỒNG HỒ CƠ
Như chúng tôi đã đề cập bên trên, kẻ thù không đội trời chung của những chiếc đồng hồ cơ chính là độ ẩm, sốc và từ trường. May mắn thay, những chiếc đồng hồ cơ hiện đại được trang bị những bộ giáp khá cứng cáp để chống lại cả ba.
Vòng đệm tổng hợp, núm kháng nước (screw-down crowns) và sự gia công chính xác với dung sai cực nhỏ đã giúp cho những chiếc đồng hồ cơ không bị thấm nước - trong trường hợp chúng được đầu tư một cách kỹ lưỡng. Hầu hết những chiếc đồng hồ đeo tay, thậm chí là đồng hồ thời trang được biết đến với khả năng chống nước ít nhất 3ATM (tương đương 30 mét). Nghe thì có vẻ sâu sắc đấy, nhưng thực chất đây được xem như mức độ tối thiểu cho một chiếc đồng hồ chính hãng. Mặc dù với 3ATM, ừ thì chúng có thể sống sót ở những bể bơi phổ thông đấy, nhưng chúng tôi vẫn khuyên bạn không nên đeo để đi bơi hằng ngày. Đổi lại, một chiếc đồng hồ với độ chống nước trên 50 mét sẽ lý tưởng hơn cho sở thích này. Còn nếu bạn muốn dành nhiều thời gian ở dưới nước hơn nữa hoặc có thói quen đeo đồng hồ khi đi lặn thì hãy tìm đến những chiếc đồng hồ với độ chống nước ưu việt hơn.
Omega Seamaster Diver với độ chống nước lên đến 300M
Trong khi bộ giảm sốc Incabloc và Kif trong các bộ máy của đồng hồ làm tròn trách nhiệm bảo hộ chúng khỏi những chấn động bất ngờ, vẫn hãy luôn nhớ rằng bạn đang đeo một cơ chế chính xác tinh xảo trên cổ tay. Thế nên, mặc dù sức chịu đựng của những chiếc đồng hồ cơ hiện đại khá bền bỉ đấy, nhưng cũng có giới hạn thôi. Các cuộc đua xe địa hình, bổ cây bằng tay, đánh golf hay đại loại thế đều là những hoạt động không mấy lành mạnh cho chiếc đồng hồ cơ của bạn. Đấy là thời điểm bạn nên chọn một chiếc đồng hồ quartz để đồng hành cùng mình rồi đấy.
Từ tính có thể khiến các vòng xoắn của những sợi tóc mỏng manh dính vào nhau, rút ngắn lò xo và khiến cho đồng hồ chạy rất nhanh. Hiện nay, các nhà sản xuất đồng hồ trên Thế giới đang có những bước tiến lớn trong công cuộc chống từ tính, nhưng các sợi tóc trong hầu hết những chiếc đồng hồ cơ có giá cả khiêm tốn vẫn dễ bị tổn thương. Tivi, loa và ipad đều chứa nam châm có thể ảnh hưởng đến đồng hồ nếu bạn giữ chúng ở khoảng cách gần. Nếu một ngày nào đó bạn nhìn thấy chiếc đồng hồ đáng tin cậy của mình chạy nhanh quá 5 phút, cược rằng nó đã bị nhiễm từ và báo hiệu bạn phải đi ra cửa hàng bảo hành để kiểm tra thôi.
ĐÔI ĐIỀU CẦN LÀM ĐỂ CHĂM SÓC ĐỒNG HỒ CƠ CỦA BẠN
Có rất nhiều cách để tăng tuổi thọ cho đồng hồ cơ. Trong đó, việc tự tay chăm sóc và bảo dưỡng đồng hồ cơ tại nhà cũng không kém phần quan trọng, vừa có thể giúp bạn tiết kiệm phần nào chi phí, vừa có thể giữ cho chiếc đồng hồ của bạn luôn trong trạng thái tốt nhất. Những việc cần làm để chăm sóc đồng hồ cũng khá đơn giản, chỉ cần bạn dành chút thời gian để thực hiện những việc bên dưới, tin chắc chúng sẽ có thể bền bỉ truyền đến đời cháu của bạn.
- Chăm sóc mặt kính: Hầu hết những chiếc đồng hồ chính hãng hiện nay được trang bị mặt kính sapphire chống trầy xước và đôi khi chống cả phản chiếu ánh sáng. Tuy nhiên, một số đồng hồ (như Omega Speedmaster Professional và Panerai PAM00372) sử dụng tinh thể acrylic phù hợp với thẩm mỹ retro của chúng, hoặc có thể là Rolex Datejust của Grandpa từ những năm 1960 với kính vòm bằng nhựa ấm áp. Bất quá, cho dù là chất liệu thế nào thì chúng vẫn rất cần sự nâng niu của bạn. Cố gắng tránh va đập cho đồng hồ hết sức có thể để giữ cho mặt kính không bị trầy xước.
Thỉnh thoảng bạn có thể tự "đánh bóng" cho mặt kính của mình bằng cách dùng khăn chuyên dụng (vải microfiber nhung giả da, khăn Lamosi,...) nhẹ nhàng lau cho chúng. Có vài mẹo chăm sóc đồng hồ hướng dẫn bạn sử dụng kem đánh răng để bảo quản mặt kính, nhưng nên nhớ việc làm này không hoàn toàn phù hợp với mọi loại chất liệu. Bạn nên tìm hiểu kỹ về chất liệu mặt kính của đồng hồ, đồng thời cân nhắc kỹ về phương pháp này trước khi thực hiện.
- Đánh bóng vỏ đồng hồ: đến một lúc nào đó vỏ đồng hồ của bạn cũng sẽ bị trầy xước, trừ khi bạn cất chúng trong lồng kính và không hề có ý định dùng tới. Đánh bóng sẽ giúp đồng hồ của bạn trở lại với ngoại hình rực rỡ gần như ban đầu. Trước khi hướng dẫn bạn cách tự đánh bóng vỏ đồng hồ, chúng tôi vẫn khuyên bạn nên mang chúng ra trung tâm bảo dưỡng để đạt được kết quả tốt nhất.
Để đánh bóng vỏ đồng hồ, bạn có thể sử dụng dung môi có khả năng tẩy rửa nhẹ (như cồn y tế, baking soda,...) và lau qua bằng khăn chuyên dụng. Bạn cũng có thể sử dụng kem đánh bóng kim loại (hoặc kem đánh trăng không hạt) và bàn chải có lông mềm để đánh bóng vỏ đồng hồ và dây đeo kim loại. Đây là những cách tương đối nhẹ nhàng và dễ thực hiện tại nhà.
- Vệ sinh đồng hồ: Thỉnh thoảng đừng quên làm sạch đồng hồ của bạn. Một bàn chải đánh răng lông mềm và một dòng nước cũng có thể thực hiện việc vệ sinh cho chúng tại nhà. Nhớ chú ý dây đeo và khóa nhé. Trong trường hợp dây đeo của bạn bằng da, bạn nên tháo dây ra trước khi vệ sinh đồng hồ. Việc chăm sóc dây da như thế nào chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sau chốc nữa.
Lưu ý không nên sử dụng những hóa chất hay chất tẩy rửa mạnh và đóng chặt các núm điều chỉnh trước khi thực hiện công việc này nhé.
- Chăm sóc dây đeo: Dây đeo cao su rất bền và tuyệt vời dưới nước, nhưng chúng có thể xuống cấp do tiếp xúc với ánh nắng Mặt trời và từ việc sử dụng thuốc xịt côn trùng, nước hoa hay kem chống nắng. Vì vậy, đầu tiên hãy giữ cho chúng sạch sẽ và kiểm tra các vấu thường xuyên để đảm bảo đồng hồ không bị vuột mất.
Dây da không ưa nước, nhưng việc bảo dưỡng dây da đồng hồ cũng không quá khó khăn, bạn có thể sử dụng một số loại dầu chuyên dụng và các sản phẩm chống thấm có thể bảo vệ được chúng trong vài năm. Việc khử mùi cho dây da cũng vô cùng cần thiết đấy, bạn cần lưu ý một số điều sau để giữ cho dây da ở trạng thái tốt nhất:
- Làm khô dây da khi bị ướt ngay lập tức. Bạn có thể phơi nó ở những nơi khô thoáng trong nhà và tránh ánh nắng trực tiếp. Sử dụng nắng trực tiếp để hong khô da bị ướt có thể khiến chúng bị mòn và nứt giộp. Hoặc bạn có thể sử dụng máy sấy ở nhiệt độ thấp hoặc vải sạch để lau khô.
- Bọc dây da bằng giấy báo hoặc giấy hút ẩm dể khử mùi cho chúng.
- Làm sạch dây da bằng dung dịch giấm. Axit trong giấm có thể khử mùi hôi trên dây da. Tuy nhiên, bạn cần phải làm khô dây da sau khi khử mùi với giấm để đảm bảo chúng không bị ẩm mốc hay lên nấm.
- Khử mùi dây da với muối nở. Bạn có thể rắc một ít muối nở lên dây da và để vào một túi zip. Sau một đêm hoặc 24 tiếng có thể lấy ra để làm sạch phần muối nở đi. Như thế là bạn có thể khử mùi cho dây da thành công rồi.
- Bôi dầu đồng hồ: Khi dầu bôi trơn khô, bánh răng và đồ trang sức bị mòn; điều này có thể khiến cho một việc chăm sóc bình thường trở thành một cuộc đại tu lớn đấy. Thế nên hãy chắc chắn rằng bạn sẽ dành thời gian để dắt chiếc đồng hồ của mình ra trung tâm chăm sóc để lau dầu cho nó nhé.
TỔNG KẾT
Việc bảo dưỡng đồng hồ cơ có thể sẽ khá tốn kém, nhưng bản thân đồng hồ cơ có thể đã là một khoản đầu tư không nhỏ rồi. Vì thế tiếc nuối gì mà không đưa chúng ra trung tâm sửa chữa và chăm sóc đồng hồ uy tín để “trả lương” cho những tháng ngày phục vụ tận tình của chúng? Nếu bạn coi trọng chiếc đồng hồ của mình như thế, không có lý do gì mà nó không ở lại cạnh bạn lâu dài. Hơn nữa, việc này cũng mang lại một cái cớ khá tốt để bạn tìm đến một chiếc đồng hồ mới trong thời gian bảo dưỡng đấy chứ.